Ngộ độc thuốc tê trong nha khoa và những điều cần lưu ý

Trong thời gian gần đây, những tai biến trong lĩnh vực y tế có liên quan đến ngộ độc thuốc tê hay là dị ứng thường xuyên được nhắc đến.

Điều này dẫn đến nhiều lo ngại về chất lượng của thuốc tê cũng như hướng xử trí trong những trường hợp xảy ra tai biến bất ngờ.

Dị ứng &Ngộ độc thuốc tê

Thuốc tê dùng trong thực hành nha khoa có thật sự tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc ?

Các loại thuốc tê tiêm thường được sử dụng trong nha khoa hiện nay như: thuốc tê đỏ Medicaine 2%  (Hàn Quốc), thuốc tê đỏ Lignospan Septodont, thuốc tê xanh dương Septanest Septodont, thuốc tê xanh lá Scandonest Septodont…

Các loại thuốc tê nha khoa

Nguyên nhân ngộ độc trong việc sử dụng thuốc tê

Thành phần thuốc tê

Bảng 1: Thành phần của một số loại thuốc tê được sử dụng phổ biến hiện nay

Dựa theo bảng 1 trên mỗi ống thuốc tê Lignospan 1,8ml (Lidocaine 2% +1:100,000 epinephrine) chứa 36mg Lidocaine và 0.018mg epinephrine

Liều tối đa của thuốc tê mà cơ thể người có thể tiếp nhận đã được ghi nhận là 7mg Lidocain/kg cân nặng.

Từ đó có thể suy ra, với thể trạng bệnh nhân khỏe mạnh bình thường, cân nặng 60kg, bệnh nhân có thể tiếp nhận 420mg Lidocaine tương đương 11 ống thuốc tê đỏ Lignospan

Thuốc gây co mạch.

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ trên liều đối đa của thuốc tê, thì đồng thời bệnh nhân cũng đã tiếp nhận lượng thuốc gây co mạch là 0,2mg Epinephrine trong 11 ống thuốc tê có thành phần co mạch.

Mặt khác, Epinephrine (Adrenaline) cũng chính là một nội tiết tố trong cơ thể và có thể sinh ra trong khoảng thời gian rất nhanh và lượng rất lớn, gấp 10 lần Adrenaline trong 1 ống thuốc tê khi bệnh nhân căng thẳng và lo lắng.

Chính điều này sẽ làm tăng nguy cơ quá liều thuốc co mạch Adrenaline cho bệnh nhân mà nguyên nhân lại không đến từ thuốc tê mà Y Bác sĩ đã sử dụng.

Như vậy, một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thuốc tê có thể là quá liều thuốc co mạch do kết hợp yếu tố nội sinh.

Tình trạng tâm lý

Tuy nhiên thực tế, đối với bệnh nhân, khi đến khám và điều trị nha khoa, tâm lý sẽ luôn có nhiều lo sợ và điều này dễ dẫn đến việc cơ thể bệnh nhân tự sản xuất ra nhiều adrenaline hơn bình thường.

Mặt khác, một số tình trạng bệnh lý nền của bệnh nhân sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng khi điều trị nha khoa có sử dụng thuốc tê.

Do đó, một số bệnh lý cần được Y Bác sĩ khai thác kỹ tiền sử bệnh và lưu ý trước khi tiến hành điều trị cho bệnh nhân có thể kể đến như: đau thắt ngực, hen suyễn, động kinh, đái tháo đường, bệnh nhân có cơ địa dị ứng…

Đây là những bệnh lý có nguy cơ cao dẫn đến các tình trạng cấp cứu thường gặp trong nha khoa như ngất, hạ đường huyết, hen suyễn, co giật, đau thắt ngực, sốc phản vệ…

Quy trình khám và khai thác bệnh sử cần được thực hiện trước khi can thiệp thủ thuật.

Các loại thuốc và trang thiết bị cấp cứu cần thiết

Bên cạnh danh mục các loại thuốc cần phải trang bị cho hộp thuốc chống sốc theo quy định của Bộ Y tế, các phòng khám và cơ sở nha khoa tư nhân hiện nay nên chuẩn bị thêm những loại thuốc như sau để sử dụng trong những tình huống cần thiết để cấp cứu cho bệnh nhân:

  1. Glyceryl trinitrate (dạng xịt hoặc ngậm dưới lưỡi): thuốc cần thiết khi bệnh nhân xảy ra cơn đau thắt ngực
  2. Aspirin 300mg (viên nhai)
  3. Adrenaline 1:1000 (tiêm bắp)
  4. Salbutamol, thuốc cần thiết đối với bệnh nhân có cơn khó thở do hen suyễn.
  5. Glucagon 1mg (tiêm bắp/tiêm dưới da), không thể thiếu khi bệnh nhân có tình trạng hạ đường huyết.
  6. Oral Glucose (dung dịch/gel)
  7. Midazolam 10mg (dạng uống hoặc nhỏ mũi)
  8. Ephedrine ống 25mg/ml hoặc viên 10mg, thuốc cần có khi bệnh nhân bị hạ huyết áp.
  9. Nifedipine 10mg (Adalat), dùng khi bệnh nhân bị tăng huyết áp.
  10. Nhũ dịch lipid 20%, cần thiết khi cấp cứu ngộ độc thuốc tê.
  11. Thêm vào đó, tùy theo điều kiện của từng phòng khám, các Y Bác sĩ có thể trang bị thêm một số các thiết bị cần thiết để sử dụng trong quá trình cấp cứu như:
  12. Máy đo huyết áp, máy đo đường huyết
  13. Bình oxy dạng nhỏ
  14. Mặt nạ không thở lại
  15. Mặt nạ thông khí
  16. Oropharyngeal airway
  17. Bóng Ambu
  18. Máy hút và dây hút
  19. Ống bơm và kim tiêm
  20. Máy đo SpO2
  21. Máy khử rung tự động
Máy đo huyết áp

Máy đo huyết áp và máy đo đường huyết là trang thiết bị luôn cần có tại phòng khám

Những nguyên tắc xử lý cơ bản khi cấp cứu nha khoa

Không cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng của bệnh nhân mà làm mất đi khoảng thời gian có thể cứu sống bệnh nhân.

Gọi hỗ trợ và ngừng can thiệp điều trị (tiêm tê, nhổ răng, tiểu phẫu, cấy ghép…) 

Trong thời gian chờ sự hỗ trợ, cần nhận biết và xác định sớm tình trạng bất thường để có cách xử lý cấp cứu phù hợp. Luôn hướng đến việc cải thiện các dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân, mở vein dự phòng để chuẩn bị cho những tình huống cần tiêm truyền.

– Chuẩn bị các loại thuốc cấp cứu và thiết bị cần thiết để hỗ trợ quá trình cấp cứu nhanh chóng hơn.

– Luôn trấn an bệnh nhân và vận động sự hợp tác của người bệnh trong quá trình cấp cứu.

Quá trình cấp cứu luôn cần tối thiểu 2 người hỗ trợ nên việc đào tạo cho nhân viên phòng khám biết quy trình cấp cứu nha khoa là rất cần thiết.

Tổng kết

Tóm lại, để quá trình thực hành sử dụng thuốc tế nha khoa được an toàn, các Y Bác sĩ cần lưu ý những điều như sau:

1. Trang bị kiến thức và thường xuyên cập nhật kiến thức cho bản thân và tất cả nhân viên trong phòng khám có nội dung công việc liên quan đến bệnh nhân như Bác sĩ, Y sĩ, phụ tá, lễ tân…

2. Trang bị đầy đủ các loại thuốc của bộ thuốc chống sốc và các loại cấp cứu cần thiết khác.

3. Trang bị các thiết bị cần thiết trong quá trình khám chữa bệnh và định kỳ kiểm tra tình trạng hoạt động của trang thiết bị.

4. Khai thác kỹ bệnh sử của từng bệnh nhân đến khám và điều trị, cho bệnh nhân thấy được tầm quan trọng của việc ghi nhận đầy đủ bệnh sử để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị.

5. Giải thích và trấn an cho bệnh nhân trước khi thực hiện các thủ thuật để người bệnh có tâm lý thoải mái nhất, an tâm và hợp tác với Bác sĩ điều trị.

6. Luôn theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình điều trị và nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường để có hướng xử trí kịp thời..

Nguồn: tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.