Kỹ thuật sửa soạn ống tủy bằng trâm ProTaper

Video: Hướng dẫn kỹ thuật ProTaper

1. Giới thiệu trâm Protaper

Trâm ProTaper NiTi (Dentsply Maillefer, Ballaigues, Thụy Sĩ) đại diện cho một thế hệ trâm tạo dạng ống tủy mới. Đặc điểm độc đáo của các công cụ ProTaper là mỗi trâm ProTaper có sự thay đổi độ thuôn dọc theo chiều dài lưỡi cắt của nó.

Trâm ProTaper cũng có mặt cắt hình tam giác lồi, góc xoắn và bước xoắn thay đổi dọc theo lưỡi cắt, lưỡi không cắt và đầu hướng dẫn biến đổi.

Hệ thống ProTaper bao gồm ba trâm Tạo dạng và ba trâm Hoàn tất..

2. Các trâm Protaper

Trâm Protaper tạo dạng số 1 (S1) và trâm tạo dạng số 2 (S2), lần lượt có vòng nhận biết màu tím trắng trên tay cầm. Các trâm S1 và S2 có đường kính D0 lần lượt là 0,17 và 0,20mm, và đường kính D14 tối đa đạt đến 1,2 mm.

Trâm tạo dạng phụ trợ (Sx) không có vòng nhận dạng trên trục màu vàng của nó và chiều dài tổng thể ngắn hơn 19mm. Sx có đường kính D0 là 0,19mm và đường kính D14 xấp xỉ 1,20 mm.

Các trâm tạo dạng có % độ thuôn tăng dần dọc theo chiều dài lưỡi cắt, cho phép mỗi trâm tiếp xúc, cắt và sửa soạn một vị trí cụ thể trong lòng ống tủy, và cho ra hình dạng ống tủy được sửa soạn đặc trưng theo phương pháp Crown-down”.

So với các trâm Protaper tạo dạng khác, trâm Sx có độ thay đổi độ thuôn nhiều hơn từ D1 đến D9, nên trâm Sx chủ yếu được sử dụng để tối ưu hóa tạo dạng ống tủy ở các răng bị gãy ở cổ răng hoặc có chiều dài ống tủy ngắn.

Ba trâm hoàn tất F1, F2 và F3 có các vòng nhận dạng màu vàng, đỏ và xanh da trời trên trục, tương ứng với đường kính D0 và độ thuôn lần lượt là 20/07, 25/08 và 30/09. Từ D4 đến D14 mỗi trâm có độ thuôn giảm dần.2

Trâm protaper s1 s2

Hình 1. Trâm protaper tạo dạng S1 và S2 đều có độ thuôn tăng dần dọc theo chiều dài lưỡi cắt của chúng, đặc trưng cho kỹ thuật sửa soạn “Crown-down”

Đường kính trâm protaper

Hình 2. Các trâm protaper hoàn tất có đường kính D0 và độ thuôn thay đổi, hài hòa với 1/3 thân của ống tủy

Thiết diện cắt ngang trâm protaper

Hình 3. Thiết diện cắt ngang của trâm Protaper với mặt cắt hình tam giác lồi, góc xoắn và bước xoắn thay đổi dọc theo lưỡi cắt

3. Quy trình sửa soạn ống tủy bằng trâm Protaper

Việc sửa soạn ống tủy sẽ thuận lợi hơn khi các trâm đi qua lỗ mở vào buồng tủy, dễ dàng trượt xuống thành buồng tủy vào lỗ ống tủy chân răng.

Khả năng tạo dạng các ống tủy đồng đều và làm sạch hệ thống ống tủy sẽ gia tăng đáng kể khi 2/3 trên của ống tủy được mở rộng trước và sau đó mới đến quá trình sửa soạn một phần ba chóp chân răng, hình ảnh

Hình ảnh mở tủy

Hình 4. Hình ảnh mở tủy với các lối vào thẳng, các thành trục phần kỳ và quan sát được rõ các lỗ vào ống tủy

3.1 Thăm dò 2/3 cổ ống tủy


Sau khi mở tủy, buồng tủy nên được bơm đầy bằng chelator và/hoặc dung dịch bơm rửa. Dựa trên hình ảnh X-quang trước thủ thuật, K-file số 10 và số 15, độ thuôn 0.02 theo tiêu chuẩn ISO được đo và uốn cong nhẹ trước để phù hợp với chiều dài làm việc dự đoán ​​và độ cong của ống tủy.

Tuy nhiên, những trâm này ban đầu chỉ tiếp cận đến đến 2/3 cổ của ống tủy. Sau đó K-File #10 và #15 tiếp tục được sử dụng cho đến khi có cảm giác lỏng tay và đường dẫn “glide path” được thiết lập.

Đo độ sâu lỏng tay của trâm #15 lúc này và chuyển giá trị độ sâu ống tủy này sang cho trâm ProTaper S1 và S2.

Thăm dò ống tủy với trâm K-file số 10

Hình 5. Thăm dò ống tủy với trâm K-file số #10

3.2 Tạo dạng 2/3 cổ ống tủy

Sau khi đường trượt “glide path” được tạo thành thông suốt, 2/3 cổ của ống tủy nên được mở rộng trước bằng cách sử dụng lần lượt trâm S1 rồi đến S2.

Trước khi bắt đầu quá trình tạo dạng này, cần bơm rửa với dung dịch NaOCl 5.25%. Trâm tạo dạng ProTaper nên “trôi” thụ động xuôi theo đường trượt xuống ống tủy mà không chịu áp lực.

Để tối ưu hóa sự an toàn và hiệu quả, các trâm tạo dạng được sử dụng như một “cái cọ vẽ”, cắt ngà chọn lọc về phía bên khi thực hiện động tác miết kéo ra.

Động tác miết trâm vào thành ống tủy tạo ra khoảng trống phía bên và giúp cho các trâm tạo dạng lớn hơn, cứng hơn và có lưỡi cắt chủ động hơn có thể tiến một cách an toàn xuống sâu trong ống tủy.

Bất cứ khi nào trâm ProTaper không thể tiến vào theo đường trượt đã được thiết lập thì phải rút ra để kiểm tra liệu các mảnh vụn ngà kẹt trong các rãnh cắt đã che mất lưỡi cắt hay không.

Cứ mỗi lần lấy trâm tạo dạng ra, cần quan sát kĩ vị trí của vụn ngà dọc theo các lưỡi cắt để xác định vị trí của phần ống tủy đang được sửa soạn.

Quy trình điều trị cần tuân thủ các bước sử dụng trâm tạo dạng, bơm rửa, kiểm tra lại sự thông suốt chiều dài bằng trâm #10. Nếu có vụn ngà làm tắc ống tủy thì trâm này sẽ phá vỡ các mảnh vụn và sau đó được lấy sạch bằng dung dịch bơm rửa.

Không tạo áp lực, sử dụng tới lui một hoặc nhiều lần, S1 rồi đến S2, lặp lại động tác cho đến khi đạt đủ chiều dài thăm dò của file #15 sửa soan

Sua soan ong tuy voi tram s1

Hình 6. Sửa soạn với trâm S1

Trâm S2 tiếp theo trâm S1 cho đến khi đi đến chiều dài làm việc của K-file số #15


Hình 7. Trâm S2 tiếp theo trâm S1 cho đến khi đi đến chiều dài làm việc của K-file số #15

3.3 Thăm dò 1/3 chóp

Khi 2/3 cổ của ống tủy đã được tạo dạng, việc tiếp theo là quá trình sửa soạn 1/3 chóp.

Với buồng tủy được bơm rửa đầy đủ bằng chelator hoặc các dung dịch bơm rửa, 1/3 chóp của ống tủy hoàn toàn có thể được thăm dò và mở rộng đến ít nhất là file số #15 (tương đương đường kính 0.15mm) và thiết lập đường vào ống tủy cũng như chiều dài làm việc.

Lúc này, cần lựa chọn giữa trâm máy hoặc trâm tay để hoàn tất việc sửa soạn 1/3 chóp. Nếu cảm nhận file số #15 mới và thẳng có thể trượt nhẹ nhàng và thụ động theo đường trượt đi hết chiều dài làm việc thì các trâm sửa soạn bằng máy cũng có thể dần đi xuống theo đường trượt này.

Tuy nhiên, một số ống tủy có hình dạng giải phẫu khó, đòi hỏi phải sử dụng các trâm tay số #10 và #15 đã được uốn cong trước theo động tác quay tới quay lui để xuống được hết chiều dài làm việc.

Khi đường trượt không thông suốt lý tưởng thì 1/3 chóp của ống tủy có thể được sửa soạn với các trâm cầm tay ProTaper được uốn cong trước.

3.4 Tạo dạng 1/3 chóp

Khi 1/3 chóp đã được thăm dò và đường trượt đã được thiết lập, bơm rửa ống tủy bằng dung dịch NaOCl. Sử dụng lần lượt S1 và S2 đi đến hết chiều dài làm việc.

Các thao tác trượt và miết trâm như mô tả ở trên được áp dụng cho đến khi đạt đến chóp ống tủy. Các trâm S1 và S2 thường sẽ đạt đến chiều dài ống tủy sau một hoặc nhiều lần thao tác tùy theo độ dài, đường kính và độ cong của ống tủy.

Sau mỗi trâm ProTaper là quá trình bơm rửa, kiểm tra lại sự thông suốt chiều dài bằng trâm #10 và bơm rửa lại. Sau khi sử dụng các trâm tạo dạng, đặc biệt là với các ống tủy cong, chiều dài làm việc nên được kiểm tra lại bởi vì quá trình này sẽ tạo thành một đường thẳng hơn xuống chóp.

Đến giai đoạn này của quá trình điều trị, việc sửa soạn có thể được kết thúc bằng cách sử dụng một hoặc nhiều trâm hoàn tất ProTaper bằng động tác “không chải” (nonbrushing). Trâm F1 được sử dụng để di chuyển thụ động sâu hơn vào ống tủy, trong một hoặc nhiều lần thực hiện cho đến khi đến chóp chân răng.

Khi F1 đạt được chiều dài, trâm được rút ra, kiểm tra nếu các rãnh của nó được lắp đầy bởi mùn ngà thì đây là dấu hiệu chứng tỏ ống tủy đã được cắt tạo dạng. Tiếp theo đó, thực hiện việc bơm rửa, xác định lại chiều dài làm việc, bơm rửa lại để làm sạch ống tủy.

4. Tiêu chuẩn hoàn tất trâm Protaper


Sau khi sử dụng xong trâm F1 20/07, lỗ chóp được đo kích thước bằng trâm K 20/02 để xác định liệu trâm này bít khít hoặc lỏng lẻo với chiều dài làm việc.

Nếu tại chiều dài làm việc, K-file #20 khít chặt, ống tủy đã được tạo dạng đầy đủ và nếu quá trình bơm rửa tuân thủ đúng tiêu chuẩn thì có thể sẵn sàng trám bít. Nếu K-file #20 lỏng thì chuyển sang K-file #25 độ thuôn 0.02 để đo tiếp.

Nếu K-file #25 khít chặt ở chiều dài làm việc thì ống tủy đã được tao dạng đầy đủ sẵn sàng trám bít. Nếu K-file #25 chưa đến chiều dài làm việc, sử dụng Protaper F2 25/08 và khi cần thiết, có thể sử dụng đến F3 30/09.

Sau tạo dạng hoàn tất bằng mỗi trâm Protaper, dùng trâm tay có kích thước phù hợp để đo lại.

Tram protaper may di het chieu dai lam viec

Hình 8. Sau khi trâm máy F1 20/07 đi đến hết chiều dài làm việc, đo lỗ chóp bằng K-file 20/02

Tram protaper s2 di het chieu dai lam viec


Hình 9. Sau khi trâm máy F2 25/08 đạt đến chiều dài làm việc, đo kích thước lỗ chóp bằng trâm tay K-file 25/02

TÓM LẠI

  • Mở lối vào ống tủy thẳng.
  • Dùng trâm K-file số #10 và #15 để thăm dò và thông suốt chiều dài ống tủy.
  • Nếu cần thiết, có thể dùng trâm Protaper SX để mở rộng, làm loe lối vào ống tủy.
  • Đo và xác định chiều dài làm việc bằng K-file số #15.
  • Sử dụng trâm ProTaper S1 đưa vào ống tủy, thực hiện động tác xoay tròn cùng chiều kim đồng hồ cho tới khi có lực cản thì ngưng lại. Sau đó, xoay ngược chiều kim đồng hồ để rút dụng cụ ra và bơm rửa.
  • Sau khi rút dụng cụ Protaper ra, bơm rửa, dùng trâm tay K-file số #15 để đi lại hết chiều dài ống tủy và bơm rửa.
  • Tiếp tục dùng trâm S1 xoay theo chiều kim đồng hồ, nhẹ nhàng đến hết khi chặt tay, xoay ngược chiều kim đồng hồ để làm lỏng trâm rồi rút ra, bơm rửa. Dùng trâm K-file số #15 để kiểm tra lại độ thông suốt trong suốt chiều dài ống tủy.
  • Lặp lại quy trình sửa soạn ống tủy bằng trâm S1 đến hết chiều dài làm việc.
  • Tương tự, sửa soạn ống tủy tới đúng chiều dài làm việc với trâm S2, F1, F2, F3. Với những ống tủy rộng hơn, có thể sử dụng đến trâm F4, F5.
  • Nên sử dụng Glyde (EDTA) mỗi khi thay đổi trâm ProTaper. Khi rút trâm ra, kiểm tra mùn ngà, làm sạch trâm và kiểm tra các dấu hiệu trâm bị giãn/xoắn (nếu có).
  • Dùng trâm ProTaper với động tác xoay tròn nhẹ nhàng và liên tục. Không tạo áp lực về phía chóp răng cũng như thành ống tủy để tránh tạo khấc, lệch lỗ chóp chân răng hoặc lệch đường vào ống tủy.

Nguồn: endoexperience.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.